Cha mẹ đã lường hết những biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu ở trẻ em?

Mục lục

Bệnh thủy đậu là một trong những bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Căn bệnh này thường kèm theo những mụn nước. Nếu những mụn nước này vỡ ra sẽ gây ra nhiễm trùng da, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não…. 

Thủy đậu gây nhiều biến chứng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ mà bị mắc bệnh này thì dễ bị sảy thai hoặc dị tật thai nhi. Còn đối với trẻ nhỏ thì thủy đậu biến chứng ra sao? Hãy tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Bệnh thủy đậu là gì?

Bệnh thủy đậu (còn được gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Virus Varicella. Loại virus gây ra  bệnh zona ở người trưởng thành và  bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ.

Tại Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, đặc biệt là mùa xuân tiết trời nồm ẩm càng tạo điều kiện thuận lợi cho loại bệnh này hoành hành. Trẻ em có sức đề kháng thường bị mắc thủy đậu. 

Dấu hiệu của bệnh thủy đậu là những mụn nước nổi khắp cơ thể, trong niêm mạc lưỡi và miệng

Dấu hiệu dễ nhận thấy bằng mắt thường của bệnh là những mụn nước nổi khắp cơ thể, trong niêm mạc lưỡi và miệng. Thủy đậu lây từ người này sang người khác bằng nhiều cách như:

  • Tiếp xúc trực tiếp: Bệnh lây lan qua không khí qua nước bọt. Những giọt nước bọt li ti chứa virus thủy đậu thông qua quá trình ho, hắt hơi, nói chuyện với người bệnh. Hoặc lây qua việc chúng ta tiếp xúc với chất dịch ở các mụn nước của bệnh nhân.
  • Tiếp xúc gián tiếp: Vô tình chúng ta tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm chất dịch của mụn nước. Việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như : bàn chải đánh răng, khăn mặt, ăn uống…cũng khiến chúng ta bị nhiễm thủy đậu.

Diễn biến của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Thủy đậu ở trẻ em diễn biến qua 4 giai đoạn, bao gồm:

Giai đoạn ủ bệnh thủy đậu

Giai đoạn ủ bệnh được xác định khi virus tấn công và phát bệnh trong cơ thể trẻ. Tùy vào cơ địa từng bé, giai đoạn này kéo dài khoảng 10 – 20 ngày. Căn bệnh này nguy hiểm bởi trong giai đoạn ủ bệnh hầu hết không có dấu hiệu gì mà rất khó có thể quan sát được bằng mắt thường.

Giai đoạn phát bệnh thủy đậu

Bước vào giai đoạn này, người bệnh sẽ có những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Trên cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 – 48 giờ đầu. Ở một vài bé, ta có thể thấy xuất hiện các cục hạch sau tai đi kèm viêm họng.

Giai đoạn toàn phát bệnh thủy đậu

Ở giai đoạn này, người mắc bệnh bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 – 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, khó chịu.

Những nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân, mọc kín trên cơ thể. Chúng còn mọc cả vào niêm mạc miệng gây khó khăn trong việc ăn uống của bệnh nhân. Một số trường hợp bị nhiễm trùng, mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục bởi chúng chứa mủ.

Giai đoạn hồi phục của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Trải qua 7 – 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này người bệnh cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Để tránh bị sẹo rỗ hoặc sẹo lõm, cha mẹ nên bôi kem trị sẹo hoặc thuốc trị thâm cho trẻ. Hãy tham khảo bác sĩ da liễu những sản phẩm phù hợp cho bé.

>>> Xem thêm: Bác sĩ khuyên cách ứng phó bệnh thủy đậu ở trẻ em khoa học, hiệu quả, không để lại sẹo

Bệnh thủy đậu gây ra những biến chứng nguy hiểm nào đến trẻ em

Xem nhẹ bệnh thủy đậu ở trẻ em là một sai lầm bởi nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh thủy đậu được xem là lành tính thế nhưng vẫn có khả năng gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp lúc. Một số biến chứng thường gặp như:

  • Nhiễm trùng mụn nước gây xuất huyết bên trong: do trẻ hiếu động và khi thấy mụn nổi rát, ngứa ngáy chúng thường gãi. Hành động khó kiểm soát này vô tình gây vỡ mụn nước hay bong tróc làm nhiễm trùng, nổi mủ và lở loét.Sau này sẽ để lại sẹo sâu khó trị khỏi.
  • Viêm não và viêm màng não: biến chứng này thường gặp sau khi bóng nước nổi 7 ngày. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong với những dấu hiệu như: sốt cao, co giật, người hôn mê, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Bởi vậy, cha mẹ cần theo dõi tích cực để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
  • Viêm phổi thủy đậu: khi không được điều trị tích cực và kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng này. Các dấu hiệu như ho nhiều, thậm chí ho ra máu, đau tức ngực và khó thở.
  • Viêm cầu thận cấp: Bệnh thủy đậu diễn tiến nặng sẽ ảnh hưởng đến thận, gây viêm thận, viêm cầu thận cấp với các dấu hiệu như tiểu ra máu, suy thận.
  • Viêm gan: Biến chứng này hiếm xảy ra và không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Những biểu hiện thường gặp chỉ là khó tiêu, buồn nôn, hệ miễn dịch suy giảm.
  • Viêm tai ngoài, tai giữa: Người bệnh thủy đậu có thể bị viêm tai trong trường hợp mụn thủy đậu mọc trong tai gây viêm loét, lở ngứa.
  • Bệnh zona thần kinh: Sau khi khỏi bệnh, virus Varicella Zoster (VZV) vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh. Khi hệ thần kinh suy yếu, virus tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh.
  • Hội chứng Guillain-Barré (hay chứng liệt Landry) là bệnh hiếm gặp liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên. Bệnh do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào các dây thần kinh, khiến tứ chi tê yếu, liệt dần rồi lan sang toàn thân. Hiện, chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng hội chứng Guillain-Barré thường xảy ra khi người bệnh mắc một căn bệnh truyền nhiễm trước đó.
  • Viêm thanh quản: Người bệnh thủy đậu có thể bị viêm thanh quản trong trường hợp mụn thủy đậu mọc trong trong khoang miệng hay niêm mạc miệng gây nhiễm trùng, sưng tấy.
  • Viêm võng mạc: Virus VZV xâm nhập vào giác mạc sẽ tổn thương đến mắt, thậm chí dẫn đến bệnh viêm võng mạc.
  • Hội chứng Reye: Người mắc bệnh thủy đậu trong quá trình điều trị có sử dụng Aspirin sẽ mắc phải Hội chứng Reye – căn bệnh liên quan đến não và thoái hóa mỡ gan. Các biểu hiện thường gặp của biến chứng này như hôn mê, co giật, vàng da, gan phình to, não bị phù, xuất huyết nội tạng.

Thủy đậu vẫn được xem là căn bệnh lành tính nhưng nó cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, khi trẻ bị căn bệnh này, cha mẹ cần điều trị tích cực và đúng cách. Cách tốt nhất là hãy tiêm phòng thủy đậu bởi “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Chúc các quý phụ huynh và các bé dồi dào sức khỏe!