Mục lục
Rối loạn tiền đình với triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, ù tai,… gây không ít phiền toái cho cuộc sống, công việc của người bệnh. Căn bệnh này không trừ một ai. Nhưng những năm gần đây, nó ngày càng phổ biến nhất là đối với dân văn phòng.
Tuy nhiên, không ít người nhầm lẫn, chủ quan trong điều trị khiến rối loạn tiền đình tái phát thường xuyên và để lại những hậu quả nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Hôm nay, đội ngũ chuyên gia y tế của “Có bệnh phải chữa” gửi đến độc giả bài viết nên hay không nên dùng thuốc để điều trị rối loạn tiền đình và nguyên tắc điều trị bệnh ra sao cho hiệu quả nhất. Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình xuất phát từ dây thần kinh số 8, nằm phía sau ốc tai. Dây thần kinh số 8 là dây thần kinh cảm giác, bao gồm 2 phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng như sau:
- Thần kinh ốc tai: chức năng cảm giác thính giác
- Thần kinh tiền đình: chức năng cảm giác thăng bằng

Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch và cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh.
>>> Xem thêm: “Tất tần tật” về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị triệt để bệnh rối loạn tiền đình
Căn nguyên của bệnh rối loạn tiền đình
Theo nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, phổ biến như:
- Viêm dây thần kinh số 8, viêm mê nhĩ, bệnh meriene, u góc tiểu cầu não, virus gây viêm thần kinh sọ não số 8, chấn thương mê lộ.
- Viêm tai giữa do nhiễm virus hoặc vi khuẩn ở tai.
- Thiếu máu não hệ thống nền, u thân não, áp xe não, khối máu tụ vùng hố sau.
- Rối loạn tuần hoàn máu như tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống ảnh hưởng đến tai trong hoặc não.
- Bệnh rối loạn tiền đình cũng có thể do các yếu tố di truyền và môi trường sống (ô nhiễm tiếng ồn, stress…).
Bên cạnh đó, vấn đề giữ thăng bằng và chóng mặt có thể do việc sử dụng thuốc điều trị đau mạn tính chứ không phải ung thư hoặc các rối loạn thần kinh khác gây ra.
Dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình

Khi hệ thống tiền đình bị tổn thương do bệnh, lão hóa hoặc chấn thương, rối loạn chức năng tiền đình có thể xảy ra và thường liên quan đến một hoặc nhiều triệu chứng bao gồm:
- Chóng mặt, quay cuồng, choáng váng
- Không thể bước đi, dễ ngã do mất cân bằng và mất định hướng không gian
- Rối loạn thị giác như nhìn mờ, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng…
- Rối loạn thính giác như ù tai
- Nhận thức hoặc tâm lý thay đổi như lo lắng quá mức, khó tập trung, giảm khả năng chú ý…
Tuỳ cá nhân mỗi người mà loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rối loạn tiền đình sẽ khác nhau. Một số trường hợp càng lớn tuổi thì triệu chứng về thăng bằng càng nặng.
Một số người bị rối loạn tiền đình có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh đến cuộc sống hằng ngày cũng như trong học tập, lao động do có dấu hiệu giảm khả năng tập trung, giảm chú ý, lo lắng quá mức. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện những hoạt động đơn giản thường xuyên hằng ngày như ăn uống, sinh hoạt hoặc thậm chí là ra khỏi giường vào buổi sáng.
Nguyên tắc trong điều trị rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế, làm cho bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn…
Vậy nguyên tắc để điều trị bệnh rối loạn tiền đình là gì? Câu trả lời là: để điều trị rối loạn tiền đình tận gốc và hiệu quả, trước hết cần xác định và loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời cần dùng thuốc điều trị các cơn chóng mặt, đau đầu – triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh.
Các phương pháp điều trị dứt điểm rối loạn tiền đình
Sử dụng thuốc Tây – phương pháp nhanh chóng và hiệu quả
Khi bị rối loạn tiền đình, bạn có thể sử dụng các loại thuốc tây dưới đây để điều trị bệnh nhanh chóng và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn cần tham khảo và tư vấn các bác sĩ, chuyên gia để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất với tình trạng bệnh và cơ địa của bản thân.

- Thuốc glucocorticoid: methylprednisolon (tác dụng chống viêm khi chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình).
- Thuốc an thần: diazepam, lorazepam… (dùng trong những ngày đầu để giảm lo lắng cho bệnh nhân).
- Thuốc tăng tuần hoàn não, tăng tuần hoàn đến bộ phận tiền đình: betahistin, almitrin – raubasin (thường sử dụng sau giai đoạn cấp để điều trị duy trì).
- Thuốc ức chế kênh canxi, đặc biệt chọn lọc mạch máu não: flunarizine, cinnarizin.
- Thuốc hỗ trợ điều chỉnh sự suy giảm chức năng tiền đình: piracetam, Ginkgo biloba.
Hỗ trợ điều trị bệnh rối loạn tiền đình bằng phương pháp xoa bóp và bấm huyệt
Các bạn nên lưu ý rằng xoa bóp và bấm huyệt chỉ giúp hỗ trợ điều trị bệnh rối loạn tiền đình chứ không thể điều trị dứt điểm được căn bệnh này.
Tuy nhiên, liệu pháp này cũng mang lại những kết quả tuyệt vời, giúp cải thiện bệnh tình đáng kể. Hãy cùng “Có bệnh phải chữa” thử những cách sau:
- Ngâm chân với nước nóng: giúp thúc đẩy lưu thông máu, giảm căng thẳng, mệt mỏi
- Day ấn huyệt ấn đường (giữa 2 lông mày), huyệt hợp cốc, nội quan, tam âm giao… mỗi lần từ 5 – 10 phút.Giúp kiện tỳ, định thần để giảm ngay triệu chứng hoa mắt chóng mặt
- Xoa bóp vùng trán, sau gáy, hai bên ổ mắt và đỉnh đầu 10-20 phút để giảm triệu chứng và phòng ngừa rối loạn tiền đình
Chế độ sinh hoạt hợp lý kết hợp với ăn uống lành mạnh để phòng bệnh rối loạn tiền đình
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì thế thay vì phải sử dụng thuốc Tây vừa tốn kém, có tác dụng phụ thì bạn nên rèn luyện cho mình lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học để rối loạn tiền đình không “ghé thăm” và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Thật đơn giản, hãy thực hiện những điều sau:
- Thường xuyên tập thể dục
- Hạn chế ngồi liên tục quá lâu, giữ nguyên một tư thế (nhất là ngồi máy tính liên tục trong phòng điều hòa, nhiệt độ lạnh)
- Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột
- Hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá, thực phẩm có mùi vị kích thích,…
- Uống nhiều nước
- Tránh lái xe, điều khiển máy móc khi thường xuyên bị choáng váng
- Tránh leo trèo cao
- Ban đêm nên để đèn sáng để dễ quan sát sự vật xung quanh
- Khi nằm nên để gối cao vừa phải để tuần hoàn máu lên não tốt hơn
- Giữ tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, lo âu, hốt hoảng,…
Bài viết vừa cung cấp cho bạn đọc những thông tin chính xác về cách điều trị dứt điểm bệnh rối loạn tiền đình. Đừng vì chủ quan mà coi thường căn bệnh này bởi những hậu quả mà nó mang lại hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của chúng ta.
Hãy điều trị tận gốc căn bệnh này bằng việc thăm khám sức khỏe tại những cơ sở y tế uy tín để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Ngoài ra, bạn cần sống và sinh hoạt lành mạnh.
Chúc độc giả dồi dào sức khỏe!